Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Người Anh vẫn thờ ơ với lệnh phong tỏa

Thủ tướng Anh Boris Johnson ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc trong diễn văn tối 23/3, một động thái chưa từng có để hạn chế quyền tự do cá nhân nhằm ngăn Covid-19. Ông tuyên bố những biện pháp này có hiệu lực ngay tức thì và kéo dài ba tuần đến ngày 13/4, sau đó sẽ xem xét lại.

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác, các biện pháp ngăn Covid-19 của Anh được đánh giá là chậm chạp và nửa vời, với rất ít sự tuân thủ của người dân. Chưa đầy 12 tiếng sau bài diễn văn trước toàn dân của Thủ tướng Johnson, ga tàu điện ngầm London vẫn chật ních hành khách, trong khi nhiều người vẫn ngồi ăn uống cùng nhau trong các căng tin chung. Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với quy định mới của chính phủ, trong đó không cho phép tụ tập quá hai người tại nơi công cộng.

Cảnh sát giải tán một nhóm thanh niên ở khu vui chơi tại thành phố Maidstone, hạt Kent hôm 24/3. Ảnh: PA.

Cảnh sát giải tán một nhóm thanh niên ở khu vui chơi tại thành phố Maidstone, hạt Kent hôm 24/3. Ảnh: PA.

Giáo sư Susan Michie, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thay đổi hành vi thuộc Đại học College London, cảnh báo một số người không thể tuân thủ các biện pháp mới ngay cả khi họ muốn.

"5 triệu chủ cơ sở kinh doanh tư nhân có thể rơi vào cảnh kiệt quệ nếu chính phủ không thể cung cấp hỗ trợ tài chính, như cách họ đang làm cho những nhân viên của mình. Khi tiền lương trợ cấp ốm đau theo luật, khoảng 116 USD, không đủ trang trải chi phí thuê nhà, các hóa đơn, thực phẩm cho gia đình, họ sẽ buộc phải tiếp tục cuộc sống như bình thường", Michie nói.

Cảnh sát giao thông Anh cũng đã vào cuộc để đảm bảo chỉ những người thực sự cần thiết được phép sử dụng hệ thống tàu điện ngầm London.

Nhưng không chỉ riêng ở hệ thống tàu điện ngầm, nhiều khu vực công cộng ở khắp London đều chứng kiến "sự thất bại" của nguyên tắc cách biệt cộng đồng. Trong bài viết đăng trên Telegraph hôm 29/3, nhà phê bình sách Jane Shilling cho biết nhiều người vẫn xuất hiện trên hè phố trong khi mắt dán vào điện thoại, nhiều người mẹ buôn chuyện sôi nổi khi đẩy con dạo phố, những người khác thản nhiên dắt chó đi dạo hay vừa chui ra từ quán rượu hoặc sân bóng. Trong khi đó tại các công viên, bất chấp những biển hiệu cảnh báo mọi người nên duy trì khoảng cách an toàn tối thiểu 2 m, nhiều người vẫn tụ tập. Thay vì sử dụng khẩu trang, họ dùng một mảnh vải để che mặt.

"Tôi mang khẩu trang này rồi nên bạn không phải lo lắng đâu", một người phụ nữ cáu kỉnh nói với một người đứng cạnh tại cửa hàng tạp hóa khi được yêu cầu giữ khoảng cách.

Theo Shilling, nơi duy nhất để thấy cách biệt cộng đồng được thực hiện một cách nghiêm chỉnh là ở siêu thị, nơi mọi người kiên nhẫn xếp hàng. Tuy nhiên, nhiều người không có cơ hội mua được đồ họ cần, khi nhiều siêu thị gần đây bị vét sạch hàng do lo sợ Covid-19.

Shilling nhận định việc người London "phớt lờ" lệnh phong tỏa có thể là do họ quen với việc gặp gỡ, tụ tập nhau hoặc đơn giản là không thể từ bỏ những thói quen của người thành phố.

Nhưng sự khởi đầu không mấy hiệu quả của lệnh phong tỏa toàn quốc cho thấy Covid-19 có thể sẽ lây lan nhanh hơn ở Anh. Theo đó, nhiều nhà phân tích nhận định để có thể "làm phẳng đường cong" của dịch, Anh sẽ cần thực hiện các biện pháp ngăn dịch lâu hơn dự kiến.

Trung Quốc mới đây thông báo sẽ dỡ lệnh phong tỏa Vũ Hán vào ngày 8/4, một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gần chấm dứt, ít nhất là đối với riêng quốc gia này. Nhưng để đạt được kết quả đó, Hồ Bắc đã trải qua hai tháng "siết vòng kim cô" với nhiều biện pháp hà khắc, như cấm đi lại và thiết lập các vùng phong tỏa. Nhưng cho tới giờ, Anh chưa đạt tới mức độ phong tỏa quyết liệt như thế.

Hơn 12 tuần kể từ khi ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19, Trung Quốc vẫn chưa thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa, do đó giới phân tích nhận định, nếu Anh đi theo một con đường tương tự, quốc gia này có thể sẽ phải phong tỏa ít nhất tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Nhóm nghiên cứu mô hình hóa về khoa học chống đại dịch cúm (SPI-M) thuộc Nhóm tư vấn khoa học cho trường hợp khẩn cấp (SAGE) của chính phủ Anh đề xuất rằng có thể áp lệnh phong tỏa 6 tháng liên tục đối với nhiều khu vực ở quốc gia này, trước khi nghĩ tới việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch.

Giới chuyên gia nhận định ba tuần trước khi Thủ tướng Johnson xem xét lại lệnh phong tỏa là thời gian cực kỳ quan trọng đối với nước Anh, bởi nó cho phép các nhà khoa học có thể đưa ra dự đoán chính xác hơn về thời điểm dịch đạt đỉnh và chấm dứt, dựa theo tình hình thực tế thay vì mô hình hóa. Tuy nhiên, họ cũng cho biết có thể chính phủ vẫn dỡ lệnh phong tỏa trước thời điểm dịch đạt đỉnh, nếu thiệt hại của nó gây ra vượt quá lợi ích của việc ngăn chặn dịch.

"Chúng tôi đang bước vào giai đoạn phải giám sát dịch một cách cẩn trọng. Đầu tiên, chúng tôi tìm kiếm những dấu hiệu dịch chậm lại, sau đó mới là số ca nhiễm mới giảm. Sau ba tuần, chúng tôi sẽ quyết định liệu có tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát dịch, hay có thể dỡ bỏ hoặc nới lỏng tạm thời và sẽ lên kế hoạch áp lại sau đó", Mark Woolhouse, giáo sư về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, Scotland, cho hay.

Trong khi nhiều chuyên gia vẫn lo ngại rằng những biện pháp hiện tại không đủ để ngăn dịch thì một số người khác chỉ trích chính phủ đang đối mặt với "đại dịch hành động", khi đưa ra nhiều biện pháp không hợp lý.

"Một lần nữa chủ nghĩa dân túy chiến thắng khoa học, khi bắt đầu yêu cầu mọi người phải làm một cái gì đó. Chúng tôi vẫn thấy một số quan niệm rằng 'người dân' ích kỷ và phải bị xử phạt. Nhưng mọi người không ích kỷ, khi họ hành động theo cách hợp lý đối với cá nhân nhưng mang lại kết quả bất lợi đối với tập thể", Robert Dingwall, giáo sư xã hội học tại Đại học Nottingham Trent, nói trong Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog một bài viết trên tờ Telegraph.

Một công trình xây dựng vẫn mở cửa hôm 24/3 tại thị trấn Larbert, Scotland bất chấp lệnh phong tỏa. Ảnh: PA.

Một công trình xây dựng vẫn mở cửa hôm 24/3 tại thị trấn Larbert, Scotland bất chấp lệnh phong tỏa. Ảnh: PA.

Anh hiện là vùng dịch lớn thứ 8 trên thế giới, với hơn 19.500 người nhiễm và hơn 1.400 người chết vì Covid-19. Trong bức thư gửi tới 30 triệu hộ gia đình Anh ngày 28/3, Thủ tướng Johnson kêu gọi người dân "ở nhà, để bảo vệ Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) và bảo toàn tính mạng". Ông cảnh báo "mọi thứ có thể trở nên tồi tệ trước khi tốt lên".

Bộ trưởng Cộng đồng Anh Robert Jenrick ngày 29/3 khẳng định cả quốc gia "đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp" nhằm chống Covid-19. "Đây là một động thái thái chưa từng có trong thời bình. Chúng ta chưa làm điều gì như thế kể từ Thế chiến II đến nay", ông nhấn mạnh.

Thanh Tâm (Theo Telegraph )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét