Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

'Thiên đường súng đạn' Thái Lan

"Tôi nghe thấy tiếng súng. Bạn tôi vô cùng hoảng sợ. Chúng tôi cố gắng ngồi xuống để ẩn nấp, nhưng không may mục tiêu của tay súng chạy tới chỗ chúng tôi và ngã xuống, khiến tôi và bạn mình dính đạn lạc", Sunantha hồi tưởng câu chuyện nhiều năm trước tại Khao San, khu phố náo nhiệt ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.

"Mọi thứ vô cùng ồn ào. Đầu tiên, tôi cảm thấy tê liệt dưới cánh tay, sau đó nhìn thấy máu chảy ra từ cánh tay và cảm thấy đau, vô cùng đau. Giây phút đó tôi nhận ra mình đã bị bắn", Sunantha cho hay.

Hiện trường một vụ nổ súng ở khu Watergate Pavilion, Bangkok ngày 7/10/2018 khiến một du khách Ấn Độ thiệt mạng. Ảnh: The Nation/ASIA NEWS NETWORK

Hiện trường một vụ nổ súng ở khu Watergate Pavilion, Bangkok ngày 7/10/2018 khiến một du khách Ấn Độ thiệt mạng. Ảnh: The Nation/ASIA NEWS NETWORK.

Cô gái, khi đó mới ngoài 20 tuổi, được đưa tới bệnh viện trong tình trạng chảy máu nghiêm trọng và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt 7 ngày. Bạn của Sunantha bị bắn vào bụng, trong khi một nạn nhân khác thiệt mạng.

Thái Lan nổi tiếng là "vùng đất của những nụ cười", nhưng cũng là một trong những nước có tỷ lệ sở hữu súng cao nhất thế giới. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong liên quan đến súng đạn trên đầu người tại Thái Lan cao hơn Mỹ, nơi thường xuyên xuất hiện tin tức về những vụ xả súng.

Theo nghiên cứu năm 2016 của Đại học Washington, Mỹ, Thái Lan có hơn 3.000 vụ giết người bằng súng mỗi năm, dẫn tới tỷ lệ tử vong do bạo lực súng đạn là 4,45/100.000 người, cao gấp 8 lần nước láng giềng Malaysia và thậm chí lớn hơn Iraq, một trong những quốc gia bất ổn nhất thế giới.

Cũng theo số liệu của Đại học Washington, tỷ lệ tử vong vì súng hồi năm 2013 tại Thái Lan là 7,48/100.000 người, hơn gấp đôi tỷ lệ tại Mỹ là 3,55/100.000 người và cao nhất châu Á năm đó. Số người chết vì súng đạn của Thái Lan cũng nhiều hơn Philippines 50%.

Theo các chuyên gia, dù thường xuyên xảy ra bạo lực súng đạn, Thái Lan ít khi chứng kiến các vụ xả súng quy mô lớn như ở Mỹ, do phần lớn các vụ nổ súng giết người ở nước này liên quan tới bạo lực băng đảng hoặc mâu thuẫn cá nhân.

Bởi vậy, việc thượng sĩ Jakrapanth Thomma, nhân viên quân khí thuộc đơn vị quân đội ở thành phố Nakhon Ratchasima, xả súng giết 29 người hôm 8/2 khiến đất nước bàng hoàng.

Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy tay súng Jakrapanth Thomma tại trung tâm thương mại Terminal 21 ở Nakhon Ratchasima, Thái Lan hôm nay. Ảnh: AFP.

Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy tay súng Jakrapanth Thomma tại trung tâm thương mại Terminal 21 ở Nakhon Ratchasima, Thái Lan hôm 9/2. Ảnh: AFP .

"Đôi khi mâu thuẫn xảy ra và súng dường như là cách giải quyết. Nó giúp mọi người bình đẳng", đại tá cảnh sát Naras Savestanan, Vụ trưởng Vụ Cải huấn Thái Lan nêu ý kiến. Thủ tướng Prayut Chan-ocha hôm qua cũng cho biết động cơ xả súng của Jakrapanth xuất phát từ "vấn đề cá nhân" liên quan đến việc bán một ngôi nhà.

Theo phóng viên Jack Board của CNA , tình trạng bạo lực súng đạn ở Thái Lan liên quan tới việc hàng triệu khẩu súng đang lưu hành ở nước này, trong số đó rất nhiều khẩu bất hợp pháp và chưa đăng ký. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa công bố chính xác tình hình sở hữu súng, bất chấp những vụ bạo lực tràn lan. Kể từ khi luật sở hữu súng được đưa ra vào năm 1947, tất cả hồ sơ lưu trữ về súng trên cả nước đều ghi lại bằng cách thủ công, không đầy đủ và lộn xộn.

"Không chỉ vậy, số hồ sơ đó nằm rải rác tại văn phòng các huyện và tỉnh. Chúng tôi có 5-6 triệu giấy phép sở hữu súng và đang cố gắng nhập vào máy tính", Chamnanwit Terat, Vụ phó Vụ Hành chính Địa phương Thái Lan, cho biết hồi năm 2018. "Chúng tôi nhận thấy có những lỗi sai như sự trùng lặp, hoặc một giấy phép cho nhiều loại vũ khí".

Chamnanwit tin rằng tự vệ là lý do chính đáng để những công dân "trưởng thành" tại Thái Lan được quyền sở hữu vũ khí, đặc biệt là khi họ "không thể lúc nào cũng dựa vào sự bảo vệ của nhà nước". Tuy nhiên, ông cũng muốn quy định cấp giấy phép sở hữu súng được thắt chặt, nhằm đánh giá kỹ lưỡng một người có phù hợp để sở hữu súng hay không.

Hàng chục cửa hàng súng nằm dọc các đại lộ tại Wang Burapha, một quận lâu đời tại trung tâm Bangkok, trong đó có những địa điểm nổi tiếng vì đã hoạt động suốt nhiều thập kỷ. Theo thời gian, các quầy hàng giờ đây tràn ngập vũ khí hiện đại.

"Những du khách lần đầu đến khu phố này bị bất ngờ, bởi không nhiều người nghĩ rằng Thái Lan là một thiên đường súng đạn", một người nghiên cứu về súng đạn giấu tên sống tại Wang Burapha cho hay.

Các cửa hàng không cần hoạt động bí mật hay bố trí ở góc khuất, thể hiện sự thoải mái trong việc sở hữu súng tại Thái Lan. Chính phủ cho biết cứ 10 người Thái thì một người có súng, ngay cả khi dữ liệu về số lượng súng hợp pháp của họ vẫn chưa hoàn chỉnh.

Giấy tờ cần thiết để sở hữu súng ở Thái Lan được cho là không toàn diện. Một công dân không có tiền án chỉ cần xuất trình những tài liệu từ cơ quan địa phương, tờ khai ngân hàng và giấy xác nhận của người quản lý tại nơi làm việc. Quá trình xem xét thường kéo dài vài tuần, sau đó những người được cấp giấy phép có thể mua súng.

Súng trường tại Wang Burapha có giá rẻ nhất khoảng 1.300 USD, cao hơn nhiều so với Mỹ, nhưng những công dân Thái Lan bình thường vẫn đủ khả năng mua. "Việc này thực sự rất dễ dàng, vấn đề chỉ nằm ở chỗ nhận được giấy phép từ chính quyền. Nếu bạn là một công dân bình thường thì thủ tục rất đơn giản", người nghiên cứu về súng đạn cho biết.

Những khẩu súng bày bán tại khu Wang Burapha ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: CNA.

Những khẩu súng bày bán tại khu Wang Burapha ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: CNA .

Hoạt động mua vũ khí bất hợp pháp thậm chí dễ dàng hơn. Nhiều người dân Thái Lan cho biết việc mua súng qua chợ đen chỉ mất một hoặc hai ngày, khách hàng chủ yếu là những kẻ phạm tội. Vì vậy, những người tự vũ trang theo quy định của pháp luật càng có lý do để sở hữu súng.

"Tôi tin rằng một người tốt có thể sử dụng súng theo cách tốt. Cấm súng ở Thái lan cũng đồng nghĩa với việc những người tốt không còn cơ hội sở hữu chúng. Khi đó Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog họ còn có thể bảo vệ ai nữa?", huấn luyện viên tự vệ bằng vũ khí David Sutthaluang nêu ý kiến.

Cựu ngoại trưởng Thái Lan Kasit Pirom là người hiếm hoi lên tiếng kêu gọi sửa đổi luật súng đạn ở nước này. Ông muốn mở ra một giai đoạn ân xá súng mới trên toàn quốc, để người dân có thể giao nộp những khẩu súng bất hợp pháp mà không bị phạt, điều Thái Lan từng thực hiện trong những thập kỷ trước.

"Đã đến lúc chúng ta xem xét kỹ nguồn gốc và nơi cất giấu súng. Tôi nghĩ đây là động thái phản ứng tự nhiên bởi mỗi sáng đọc báo, nghe radio hoặc xem truyền hình, bạn đều thấy có thêm người chết. Có rất nhiều vụ giết người điên cuồng. Chúng dường như quá phổ biến và trở nên bình thường trong xã hội Thái Lan dù đây là quốc gia Phật giáo. Chúng ta có luật, nhưng thực thi kém", Kasit cho hay.

Sunantha không đòi được công lý sau khi bị tấn công trên phố Khao San năm 2006, dù hứng chịu tổn thương nặng nề từ viên đạn lạc. "Tôi gần như mất một cánh tay, nhưng may mắn hồi phục sau một năm tập vật lý trị liệu. Dù không cử động tốt 100% nhưng nó ổn và tôi cũng đã quen", cô cho biết.

Cuộc sống của cô cũng khác nhiều so với khoảng thời gian trước sự cố, khi cô còn thường xuyên đến các tụ điểm chơi đêm ở Bangkok. Những năm qua, Sunantha sợ phải tới không gian công cộng ồn ào như quán bar, bởi lo rằng một kẻ lạ mặt sẽ lại nổ súng như trước kia.

"Đó là lý do tôi cố gắng cẩn thận hơn, quan sát xung quanh và chú ý có điều gì bất ổn hay không, để có thể chạy trốn kịp thời. Nếu thấy ai đó mang súng, tốt hơn hết bạn nên tránh xa, bởi điều đó không bình thường", Sunantha chia sẻ.

Ánh Ngọc (Theo CNA, Coconuts )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét