Sáng 10/2, bà Lưu Thị Lựu lóc cóc đạp xe ra chợ gần nhà mua 2 kg thịt lợn làm món chả lá lốt - món yêu thích của các cháu. "Từ mùng 8 là cả 7 con gái và con rể, 15 cháu về tề tựu. Nhà đông con ồn hơn cái chợ vỡ, nhưng mà vui lắm", bà Lựu, 59 tuổi, chia sẻ.
Bà Lựu (bế cháu) và lần lượt các con gái Hiền, Hảo, Hán, Hường, Lượng, Ly, Ánh trước nhà họ ở Yên Thành, Nghệ An, Tết 2020. Ảnh: Lily Võ. |
Thương chồng, một thương binh bị mù 2 mắt, nên bà Lựu cố gắng sinh một người con trai để đỡ đần, nhưng càng đẻ càng ra "công chúa". Bảy con gái được đặt tên Hiền, Hảo, Hán, Hường, Lượng, Ly, Ánh lần lượt chào đời từ năm 1982 đến 1996. Có lẽ vì thương bố mẹ mà các con đều ngoan ngoãn, học lên đến đại học, cao đẳng và có nghề nghiệp ổn định.
2019 là một năm trọn vẹn niềm vui của gia đình bà Lựu. Cô út vừa lấy chồng, ông bà toại nguyện vì tất cả các con đều đã yên bề gia thất. "Vui nữa là trong một năm đón thêm 5 đứa cháu ngoại. Cô Hảo thứ hai sinh đầu năm, cô Hán thứ ba sinh tháng 8, cô Lượng và Ly cùng trở dạ vào tháng 9 còn cô Hường thứ tư sinh tháng 11", bà kể.
Chuyện ông bà tất tả ngược xuôi hết trong nam đến ngoài bắc để chăm các con gái và cháu ngoại năm vừa rồi trở thành giai thoại không thể nào quên. Các cô đang sinh sống ở Nghệ An, Hà Nội và Nha Trang. Theo dự sinh thì bà Lựu có đủ thời gian ở bên cạnh các cô lúc lâm bồn và chăm mỗi cô một tháng. Không ngờ khi mới ra Hà Nội chăm Ly được 10 ngày thì Lượng trong Nha Trang trở dạ. "Đang đêm nghe tin chị vỡ ối, chỉ thấy lo và thương chị nên đặt vé cho bố mẹ vào luôn ngày hôm sau. Chăm chị được một tháng thì mẹ lại về Vinh chăm chị tiếp theo", Võ Ly, cô thứ 6, chia sẻ.
5 cháu ngoại cùng sinh năm 2019 của gia đình bà Lựu. Ảnh: Lily Võ. |
Bao năm qua bảy chị em phân tán đi học, lập gia đình nên hiếm có cơ hội đông đủ. Năm nay nhiều người đang nghỉ thai sản nên hẹn nhau về Tết. Tới khi bùng dịch viêm phổi do virus corona, các trường đồng loạt cho nghỉ học nên cả 7 chị em cùng về. 5 chàng rể làm kinh doanh, cũng gác lại công việc, về ngoại.
Hơn hai tuần vừa qua, đại gia đình bà Lựu luôn có gần 30 người. Từ trước Tết, bà phải đóng thêm một chiếc giường, mua thêm chăn, màn, đệm. "Nhà con hai có 4 con trai nghịch như giặc nên được một cái giường to nhất. Nhà con sáu có bé khó tính nên cho vào một góc tách biệt", bà Lựu kể.
Các con, cháu về đông đủ thì vui nhưng đó cũng là thời gian tất bật nhất của bà. Bên cạnh chăm chồng, bà luôn tay lo chợ búa, cơm nước, giặt và phơi đồ... "Riêng khoản nhặt đồ bỏ máy giặt rồi đi phơi cũng hết hơi. Một ngày phải 6 bận phơi", bà nói.
Bữa cơm nào của nhà cũng ồn ào như ong vỡ tổ. Như bữa nay, bên cạnh 2 kg thịt cuốn lá lốt, còn món tôm, cá và 6 bó rau luộc. Hai nồi cơm, mỗi nồi 5 bơ gạo. Các cháu được cho ăn trước, xong xuôi người lớn mới đến lượt.
Nhà đông con nít gây ra những tình huống dở khóc, dở cười. Mỗi khi mừng tuổi là phải xếp hàng 15 cháu để tránh bị sót. Có hôm nửa đêm một bé khóc, các bé khác giật mình đồng loạt khóc theo. "Chưa bao giờ có một cái Tết dài như vậy. Nhà rộng, vườn thênh thang và có ao cá. Lũ trẻ được chơi với nhau cả ngày cả đêm, giục đi ngủ mà chúng vẫn rả rích cười đùa", Võ Lượng, cô thứ năm chia sẻ.
Buổi tối quây quần bên chảo bánh khoai, bánh chuối của gia đình đông con, cháu. Ảnh: Lily Võ. |
Đối với bảy cô gái, mẹ họ là người tuyệt vời. Bao năm trước đây mình bà tần tảo làm ruộng vườn, bên cạnh lương thương binh của chồng, để nuôi nấng các con. Những năm gần đây khi các con ra trường thì bà lại lo gả chồng, sau đó đi chăm con đẻ. "Nhà đông nhưng mẹ không muốn để chị em chúng tôi thiệt thòi. Mẹ đi đâu, cha phải theo đấy, không đứa con nào đẻ mà vắng mặt mẹ", Võ Ly chia sẻ.
Lớn lên trong gia đình thấy bố mẹ yêu thuơng nhau nên các chị em rất gắn kết. Nhóm chat của bảy chị hoạt động cả ngày lẫn đêm, tâm sự "ti tỉ chuyện trên đời". Chỉ cần một thắc mắc là có nhiều giải đáp. Ai có nỗi buồn sẽ được động viên hết ngay.
Phan Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét